Chưa có sản phẩm
Những tính năng tuy mới trên iOS 16 nhưng cũ với Android
Nhiều tính năng mới của hệ điều hành iOS 16 thu hút sự quan tâm của người dùng vì quá giống Android của Google.
Hội nghị thường niên cho lập trình viên (WWDC 2022) đã diễn ra vào tuần trước với tâm điểm chú ý là iOS 16. Phiên bản hệ điều hành mới nhất này đã mang đến nhiều tính năng mới cho hệ sinh thái sản phẩm của Táo khuyết như tùy biến màn hình khóa, tối ưu thông báo, chọn và tách vật thể trong hình bằng công nghệ máy học…
Song, theo Android Authority, một vài tính năng mới trên iOS 16 vốn đã xuất hiện từ lâu trên các thiết bị chạy Android.
Live Captions
Một trong những tính năng hứa hẹn nhất của iOS 16 là Live Captions. Đây là công cụ cho phép người dùng trực tiếp dịch thuật các cuộc trò chuyện, âm thanh, video theo thời gian thực. Tuy nhiên, vào năm 2019, Google đã ra mắt Live Caption lần đầu trên Android 10, tự động dịch và hiển thị phụ đề cho bất kỳ các file âm thanh trên thiết bị.
Mặt khác, tính năng Live Captions trên iOS 16 cũng hỗ trợ cho các cuộc gọi FaceTime. Điều này tương tự với Google khi hãng đã bổ sung tính năng dịch trên các cuộc gọi thường, gọi video và tin nhắn thoại.
Widget trên màn hình khóa
iOS 16 còn khiến người dùng thích thú khi cho phép khả năng tùy biến màn hình khóa gồm font chữ (kiểu chữ, màu sắc), hiệu ứng hình nền, đồng thời thêm widget hay tạo nhiều màn hình khóa khác nhau. Thoạt nghe có vẻ rất mới mẻ nhưng sự thật là tính năng này đã xuất hiện trên Android từ lâu.
Hệ điều hành của Google đã sử dụng các widget trên màn hình khóa từ năm 2012 với Android 4.2. Hãng còn cho phép người dùng thêm đồng hồ, lịch và các tiện ích khác trên màn hình khóa. Nhưng đến phiên bản Android 5.0, tính năng này đã bị loại bỏ.
Chia sẻ thư viện ảnh
Theo Android Authority, Google Photos đã cung cấp chức năng chia sẻ hình ảnh trong nhiều năm qua. Cụ thể, tính năng cho phép người dùng thêm ảnh vào album với bạn bè và người thân, thậm chí là phân loại ảnh dựa theo khuôn mặt. Google Photos còn gợi ý các liên hệ để chia sẻ dựa trên những người có mặt trong ảnh.
Apple đã mượn ý tưởng này để áp dụng và tùy biến vào iOS 16. Thư viện ảnh chung trên iCloud đã cho phép người dùng chia sẻ ảnh và video cho tối đa 5 người. Đồng thời, học theo Google Photos, tính năng này còn giúp người dùng tự phân loại các thư viện dựa trên ngày chụp hay con người xuất hiện trong ảnh.
Dịch văn bản bằng camera
Với công nghệ máy học, iOS 16 đã cho phép các thiết bị Táo khuyết sử dụng camera để dịch trực tiếp văn bản trên hình ảnh. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng chỉ cần đưa máy ảnh điện thoại gần vùng văn bản và bản dịch sẽ ngay lập tức xuất hiện.
Trong khi đó, tính năng này đã xuất hiện trên ứng dụng Google Translate suốt nhiều năm qua, hỗ trợ dịch văn bản trực tiếp trên màn hình. Theo Android Authority, điều này giúp tiết kiệm đáng kể thời gian so với iOS 16 vì Apple yêu cầu người dùng phải chụp ảnh, sau đó chèn bản dịch vào tấm ảnh đã chụp.
Thu hồi và lên lịch tin nhắn
Ngoài những công cụ trên, Apple còn ra mắt tính năng thu hồi và lên lịch gửi email trên ứng dụng Mail. Ứng dụng nhắn tin (Messages) trên iOS 16 cũng có khả năng thu hồi hoặc sửa nội dung tin nhắn đã gửi. Điều này rất hữu ích khi người dùng đánh nhầm văn bản hoặc gửi nhầm mail, tin nhắn cho người khác.
Tuy nhiên, cả 2 tính năng này đều đã xuất hiện trên Gmail từ lâu. Thu hồi tin nhắn được công bố thử nghiệm lần đầu vào năm 2009, sau đó xuất hiện trên ứng dụng Gmail của tất cả các thiết bị.
Việc học theo tính năng của nhau không còn là điều gì mới với các hệ điều hành. Trước đây iOS 14 cũng được cho là học theo tính năng Picture in Picture (PiP), giao diện hiển thị cuộc gọi, thay đổi ứng dụng lướt web mặc định… của Android.